Người Khách Gia ở bên ngoài Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Người_Khách_Gia

Khách Gia là một trong những nhóm người "di động" nhất trong cộng đồng người Hoa. Họ cư trú ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Á cho tới châu Âu, từ châu Phi cho tới châu Mĩ, thậm chí cả Mĩ La Tinh. Tại châu Phi, họ là một cộng đồng mạnh tại Nam Phi, Tahiti thuộc Pháp (còn được gọi là Pháp Đa Đảo), Maritius, ở Mĩ La Tinh, họ tập trung sinh sống và tạo ra cộng đồng mạnh nhất tại Jamaica. Phần lớn di dân Khách Gia tới Anh có quan hệ với Hồng Kông theo nhiều mức độ: phần nhiều họ sang Anh qua ngả Hồng Kông sau khi đã tới Hồng Kông làm việc và kiếm sống một thời gian hoặc ngắn hoặc dài; một phần khác đã chuyển tới Hồng Kông sinh sống ngay từ khi Hồng Kông bắt đầu trở thành đất của người Anh, nghĩa là bố mẹ của một số người Khách Gia di cư sang Anh đã được sinh ra và lớn lên, hay ít nhất là kiếm sống và trưởng thành trên chính Hồng Kông.

Giống như đa số di dân Trung Hoa khác, cộng đồng Khách Gia lớn nhất vẫn là tại Đông Nam Á, tại Mã Lai, Singapore, Indonesia, Tây Borneo, Thái Lan. Trong một số thời đoạn gần đây, chủ yếu là từ khi Indonesia xâm chiếm và biến Đông Timo thành tỉnh thứ 27 của mình, phần lớn người Khách Gia cũng như các cộng đồng Hoa kiều khác đã rời khỏi Đông Timo. Theo một số tài liệu thì sau khi rời khỏi Đông Timo, phần lớn những người này đã cố gắng tái định cư tại Úc bằng nhiều phương pháp, kể cả bằng việc nhập cư lậu.

Nhìn trên bình diện chung thì người Khách Gia hải ngoại không thành công bằng những người di dân Trung Hoa có gốc gác Phúc Kiến và một phần nào đó là những người có gốc Quảng Đông.

Tại đảo Đài Loan, người Khách Gia chiếm 15% trên tổng số 22,9 triệu dân (xem thêm Đài Loan nhân khẩu học). Trong những thời đoạn của thế kỉ 18, 19 đã có một số va chạm vũ lực giữa người Khách Gia và người Hoklo, phần là do mâu thuẫn kinh tế, phần là do mâu thuẫn chính trị. Sơ khởi của những mâu thuẫn này là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa hai cộng đồng. Tuy vậy, nhìn chung thì vẫn có những mối quan hệ cá nhân giữa hai nhóm người này. Điều này thể hiện ngay trong cách xưng hô của hai tộc người. Ví dụ như, trong tiếng Khách Gia, chữ "cô gái Hoklo", "ho-ló-mà", vừa mang nghĩa là "cô chủ", vừa mang nghĩa "cô em" hoặc bỡn cợt hơn, "cô ả, nhân tình". Còn trong tiếng Hoklo, chữ "keh-kia", chỉ một anh chàng Khách Gia có nghĩa là "anh chàng đối tác của chị em". Trong khi đó, người Khách Gia ở Việt Nam gọi là người Ngái.